Thay đổi thói quen, thay đổi cả cuộc đời của bạn

Đã là 2021. Bạn không cần một ai đó trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông để mách bạn rằng đọc, tập thể dục, thiền, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, ghi chép và uống đủ nước là những thói quen tốt.

Tôi đã từng có những bài viết kiểu như vậy. Nhưng xã hội đang từ từ thay đổi. Mọi người đang dần tỉnh. Chúng ta đang dần nhận thức rõ hơn về việc mình làm, những thứ mình đưa vào cơ thể và cách mình sống.

Có rất nhiều lời khuyên về phát triển cá nhân ở khắp nơi xung quanh bạn. Trong vài năm vừa rồi, dường như mọi người đều bị ám ảnh bởi việc cải thiện bản thân (self-improvement). Điều đó có thể dễ thấy từ lượng những lời khuyên self-help mà bạn có thể lấy được từ truyền thông mainstream.

Ngay cả ấn phẩm kiểu truyền thống như The Wall Street Journal cũng có các bài viết đinh về sửa tật trì hoãn, tài chính cá nhân và sống lành mạnh. Đâu đâu cũng vậy. Mở xem Netflix là bạn sẽ bị phủ đầu ngay bởi những phim tài liệu mới nhất về sức khỏe.

Nhưng trong khi một lời khuyên này có vẻ tốt trên bề mặt, có một vài vấn đề sau đây để bạn nghĩ sâu sắc hơn:

Đâu là lời khuyên đúng đắn? Không thiếu những lời khuyên mâu thuẫn với nhau ngoài kia.

Tại sao mọi người ra sức bảo vệ điều họ tin đến thế? Khi mọi người đã đi theo một hệ thống niềm tin, họ làm tất cả để chứng minh mình đúng.

Tại sao người ta đưa ra lời khuyên? Lợi ích đem lại cho họ là gì? Vì sao người ta đầu tư tiền bạc, nguồn lực để đi thuyết phục người khác?

Là một blogger độc lập, không có ràng buộc, việc của tôi là vượt qua sự nhiễu loạn. Không những là để chia sẻ với các bạn, mà còn bởi tôi muốn tìm được ra cách sống tốt nhất cho bản thân mình.

Một trong những điều tôi nhận ra đó là, các thủ thuật hay những lời khuyên chi tiết cụ thể thường không có tác dụng. Tôi quan tâm chủ yếu đến các hệ thống và chỉ dẫn rộng mở. Ví dụ, tôi không lo lắng nhiều về chế độ ăn chính xác tôi đang theo. Tôi hiểu rằng chế độ ăn không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.

Không thiếu những người có chế độ ăn “tệ” nhưng sống một đời hạnh phúc, lâu dài. Ông tôi là một người như thế. 87 tuổi và còn chẳng biết khái niệm chế độ ăn là gì. Ông vẫn chỉ ăn những thứ trước kia vẫn ăn. Ông nạp vào nhiều chất béo bão hòa, bụng khá to, nhưng ông không hề bỏ bê bản thân. Ông là một người năng hoạt động ở tuổi này. Thêm vào đó, đầu óc cũng vô cùng minh mẫn.

Khi tôi hỏi ông về chìa khóa dẫn đến một cuộc sống tốt, ông nói rằng, với ông điều quan trọng nhất là kiên định. Suốt quãng đời từ khi trưởng thành, ông thức giấc vào cùng thời điểm, ăn 3 bữa cùng thời điểm, không ăn vặt và không bao giờ đi chệch khỏi lề thói của mình.

Đối với tôi đó là điều quan trọng nhất. Bạn có thể ăn thực vật, bạn có thể ăn thịt. Nhưng khi mọi người nói bạn cần phải ăn thực vật hoặc ăn thịt thì mới khỏe mạnh được, tôi bỏ đi luôn. Đó là cách nói phân định rạch ròi trắng đen quá mức. Sẽ luôn luôn có nhiều thứ hơn là những gì bạn chỉ nhìn thấy trên bề mặt.

Thói quen hàng đầu của tôi: Tự vấn mọi thứ

Một người bạn của tôi gần đây đã gửi cho tôi một video trên YouTube có tựa đề kiểu “512 thói quen đã thay đổi cuộc sống của tôi”, hỏi xem tôi nghĩ gì. Tôi thấy video đó gợi tôi nhớ về kiểu lời khuyên tôi từng chia sẻ trên blog của mình trong quá khứ.

Lúc tôi đang xem, tôi nhận ra đó toàn là những lời khuyên bề mặt. Năm vừa rồi, cái nhìn của tôi về cuộc đời đã thay đổi. Càng đọc và viết nhiều về cuộc đời, tôi càng bớt chắc chắn về mọi thứ.

Bạn cũng có thể áp dụng khái niệm này vào mọi thứ. Chúng ta luôn trông thấy cái bề mặt. Chúng ta nhìn thấy phần đầu tảng băng nhưng không thể nhìn và biết phía bên dưới làn nước nó trông thế nào, trừ khi ta lặn sâu.

Thế nên, thói quen của tôi cho cuộc đời đó là: Tự vấn tất cả mọi thứ.

Đó là thói quen duy nhất đã thực sự thay đổi cuộc sống của tôi. Tất cả những thứ khác như tập luyện, ghi chép, v.v… đều có tác động của riêng nó. Nhưng đây là điều lớn lao nhất đối với tôi.

Tại sao? Bởi vì khoảnh khắc bạn ấn định cách nghĩ về điều gì đó là lúc bạn ngừng phát triển. Điều đó vẫn xảy đến mà chúng ta không hay biết. Điều kì cục là chúng ta đều bị thu hút bởi các lời khuyên vì chúng ta muốn phát triển và cải thiện bản thân.

Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta bị cuốn vào các hội nhóm, các tư tưởng, và hệ thống niềm tin nhất định. Và thế là đột nhiên chúng ta ngừng phát triển. Nhưng không hay biết. Ở trên phía bề mặt, có vẻ chúng ta đang làm khá tốt – ăn uống lành mạnh, năng suất, và quan trọng nhất là chúng ta cảm giác như đang thuộc về một nhóm người đi đúng hướng, làm đúng việc.

Thế nhưng làm sao mà bạn biết được bạn đang làm đúng? Bạn không biết được.

Điều gần (với đúng đắn) nhất mà bạn có thể làm là đặt câu hỏi với mọi thứ bạn làm. Tôi không nói rằng bạn nên nghi vấn từng việc nhỏ nhất bạn làm. Thế thì điên mất. Thử tưởng tượng mà xem.

“Mình có nên ăn cái sandwich này không? Ngộ nhỡ nó có độc? Lỡ bánh mì là thứ có hại thì sao?”

Đấy không phải điều tôi đang nói. Đơn giản là hãy tạo thói quen đặt câu hỏi những gì bạn làm một cách đều đặn (nhấn mạnh từ “đều đặn”, nhưng không có nghĩa là cứ mỗi phút, mỗi giờ). Hàng ngày, tôi đón chào các ý tưởng, những điều mới thách thức suy nghĩ trong tôi.

Điều đó không có nghĩa là mỗi ngày tôi lại thay đổi chiến lược của mình, tôi chỉ để nó đó. Tôi không khép tâm trí. Nhiều người trong chúng ta vẫn làm thế: chúng ta tin vào X và cái gì không phải X, tâm trí chúng ta từ chối tiếp nhận.

Tỉnh thức

Trong triết học phương Đông, người ta gọi khái niệm này là Tỉnh thức (*3). Bạn có thể thay đổi nhận thức của mình mà chưa cần đến thiền định. Chúng ta vẫn sống mà như đang ngủ mê đó thôi, mọi hoạt động ta đang làm như thể được đặt chế độ bay tự động. Chúng ta có làm gì cũng là bởi người khác làm thế. Không khác gì zombie. Cứ đi, đi và đi.

Tỉnh dậy đi!

Thật tốt nếu bạn muốn thiền, nhưng nếu không thì cũng vẫn ổn. Để thức tỉnh, rất đơn giản. Khi bạn bắt đầu tự đặt câu hỏi và quan sát các câu trả lời của mình, bạn biết mình đang tỉnh. Nó khá giống đối với các giấc mơ vậy. Bạn đã bao giờ như thế chưa? Trong giấc mơ, những điều kì quặc cứ xảy ra. Một khoảnh khắc bạn đang ở nhà, một lúc khác lại đang đứng trần như nhộng trên bãi biển. Và rồi, bạn nghĩ rằng, “Thế này không đúng. Có phải mình đang mơ không?” Đúng thế đấy. Nhưng một khi bạn đặt ra câu hỏi đó, bạn tỉnh dậy.

Hãy thử làm ngay nhé. Tự hỏi mình ngay bây giờ: “Tôi có đang mơ không?”

Giờ bạn đã thức dậy. Hãy tiếp tục đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ để *giữ* được sự tỉnh táo.

Linh Khanh Nguyen