Tại sao khi giao tiếp, con người luôn có xu hướng công kích nhau?

Có lần bạn cùng lớp để quên sách trong lớp học, bảo tôi cùng cậu ấy đi lấy, tôi thuận miệng nói ra một câu: “Cậu đúng là cái đồ quên trước quên sau mà.”

Không ngờ, bạn học sau khi nghe xong câu này hơi nhíu mày, sau đó nghiêm nghị nói với tôi rằng: “Cậu không nên tùy tiện định nghĩa một người như thế, rất bất lịch sự.”

Nghe cậu ấy nói xong, tôi lúc đó có chút ngạc nhiên. Nhưng sau đó, cả ngày tôi bắt đầu suy nghĩ, thế mà tôi thực sự đã sa vào sự sợ hãi sâu sắc.

Tôi nói ra câu: “Cậu đúng là đồ quên trước quên sau mà.” Lúc nói câu nói đó tôi cũng không hề nhận thức được rằng, đó chính là một sự công kích cá nhân vô căn cứ và vô cùng vô trách nhiệm.

Tôi chỉ vì bạn cùng lớp quên lấy sách mà tùy tiện đưa ra những lời bình luận đầy tiêu cực. Điều này không chỉ khiến người nghe cảm thấy không thoải mái, nó còn thể hiện người nói có EQ thấp và thiếu giáo dục.

Hơn nữa, lúc đó cậu ấy đã đáp lại tôi rằng: “Cậu nói như vậy rất bất lịch sự.”, chứ không phải là “Cậu là một người bất lịch sự.” Làm cho phản ứng đầu tiên của tôi là suy nghĩ lại mình rốt cuộc là không lịch sự như thế nào. Cho dù là muốn phản bác, thì lời nói của cậu ấy vẫn hoàn toàn không làm người khác thấy khó chịu, nghĩ đến đó, tôi cảm thấy vô cùng hộ thẹn và áy náy cho sự kém hiểu biết và thiếu giáo dục của bản thân mình.

Đồng thời, tôi bắt đầu suy nghĩ, tại sao khi tùy ý bình luận về người khác lại có thể dễ dàng, tự nhiên đến thế?

Nghĩ đến đó, tôi kinh ngạc mà phát hiện ra rằng những người xung quanh tôi từ nhỏ đến lớn đều là như vậy.

Từ trước đến nay ở Việt Nam, khi giao tiếp với con cái, nhiều bậc cha mẹ chưa bao giờ coi trọng tâm lý và khả năng chấp nhận của con cái mà chỉ quan tâm đến việc truyền đạt giá trị của bản thân, không quan tâm đến ý định ban đầu của con cái. Họ sẽ thông qua một chuyện nhỏ, một sai sót nhỏ mà cố tình phê bình, đánh giá toàn bộ nhân cách của bạn.

Ví dụ:

Con cái: “ Mẹ, con muốn nuôi một chú chó.”

Mẹ: “ Nuôi chó cái gì chứ, cả ngày chỉ giỏi làm mấy chuyện không đâu, sao học hành không giỏi được như vậy đi?”

Con cái: “………”

Người mẹ ở đây không hề nói lý lẽ mà thông qua việc nuôi chó để phê bình chuyện con gái không chịu chuyên tâm học hành, từ đó tùy tiện trách mắng con gái của mình. Nếu bạn chịu suy nghĩ một chút đến tâm trạng của người con gái thì có thể đã nói rằng: “ Nuôi chó cần rất nhiều thời gian, sẽ làm trì hoãn việc học.”

Ví dụ tiếp:

“Con trai, con đã giặt cái chăn của con chưa?”

“Chưa, đợi chút xíu nữa con giặt.”

“Chút nữa cái gì mà chút nữa! Sao mà con lười quá vậy! Không thể nhanh nhẹn chút được à?”

Người mẹ ở đây cũng thông qua việc giặt chăn mà trực tiếp phê phán con mình là người lười nhác. Nhưng người con ở đây có chắc là lười thật không? Có thể cậu ấy là một người thiếu niên chăm chỉ đã thức nguyên đêm để ôn bài thì sao?

Những người lớn lên trong môi trường này theo thời gian sẽ lầm tưởng rằng đây cách giao tiếp bình thường giữa những người thân thiết trong gia đình.

Sau khi tính cách của con người đã được hình thành, nhất là qua giai đoạn cấp 3 đại học thì lại càng khó sửa hơn nữa. Mà ảnh hưởng của việc đó chính là họ sẽ đem cái cách giao tiếp này vào trong tiềm thức mà dùng với tất cả mọi người. Sau đó người bên cạnh họ dần dà theo thời gian cũng cảm thấy khó chịu.

Ví dụ,

“Tại sao tao lại béo như thế này cơ chứ?”
“Tại mày ham ăn biếng làm đó.”
“……”
“Tao muốn đi thư viện.”
“Cả ngày mày chỉ biết đi thư viện, y như con mọt sách vậy.”
“……”
“Hôm nay tao không muốn đi chạy bộ.”
“Thấy chưa, lần trước tao đã nói mày là người làm nửa chừng bỏ dở mà.”
“……”

Thử nghĩ một chút đi, nếu mà bạn bị công kích như vậy mà vẫn nguyện ý làm bạn với người ta thì chỉ có thể là người ta còn giá trị lợi dụng gì đó thôi. Chứ không thì chả ai muốn làm bạn với người mà nói năng khiến người khác khó chịu như vậy cả.

Tất cả chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của việc cư xử với người khác, nhưng trước khi học cách cư xử với người khác, chúng ta nên học cách nói chuyện.

Có rất nhiều người biết cách ăn nói, biết nịnh hót, biết tâng bốc người khác, nâng đỡ người khác, biết dùng từ ngữ phù hợp.

Nhưng khi càng thân thiết, càng lúc càng tùy tiện trách móc, hạ thấp giá trị người khác.

Hạ thấp giá trị người khác cũng là một cách làm tổn thương, nhưng bạn sẽ không bao giờ đi hạ thấp giá trị một người bạn không quen biết để mà bị người ta đánh đuổi.

Khi chúng ta đưa ra những nhận xét tiêu cực về người khác, thực ra có một logic cơ bản: Tôi không phải là loại người như vậy. Suy nghĩ kỹ hơn, ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau logic này là: Anh ta là loại người như vậy, tôi không phải là loại người như vậy, vì vậy tôi cao quý hơn anh ta.

Trong quá trình kết thân với bạn bè, những người luôn coi thường người khác và tự cho mình là tốt, thực tế là người có lòng tự trọng thấp, trong tiềm thức họ luôn đề cao bản thân bằng cách coi thường người khác để đạt được sự thoải mái về tâm lý. Bản chất của hành vi này là ích kỷ, tự phụ và không tự biết mình.

Lúc đó, câu nói của cậu bạn cùng lớp đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, trong lòng chợt bừng tỉnh. Nhìn lại trong quá khứ, vì sự ngu dốt, ích kỷ thiếu tự trọng mà tôi đã nói không biết bao nhiêu điều tổn thương người khác, ngược lại tôi còn tự mãn, cho đó là kiểu nói thẳng, để rồi hôm nay tôi phải vẫn ân hận.

Một cách trò chuyện bình thường là: trò chuyện, nói về cảm xúc, phê bình ít hơn và chuyện nào ra chuyện đó.

Và nếu bạn có thể học cách giải quyết chuyện nào ra chuyện đó, bạn có thể đã rất biết cách ăn nói rồi.

Thanh Hương