Những dấu hiệu chứng tỏ bạn đã trưởng thành về mặt cảm xúc

Bất kể có già đi nhường nào, không một ai trong chúng ta có thể hoàn toàn trưởng thành về mặt cảm xúc – nhưng việc có một danh sách bàn về những gì thuộc về sự trưởng thành có thể là một cách để ghi điểm và thúc đẩy bản thân đi đúng hướng. Sau đây là một danh sách như thế!

1. Bạn nhận ra rằng hầu hết các hành vi xấu của những người khác thật ra bắt nguồn từ nỗi sợ hoặc lo âu – thay vì, bản tính khó chịu hay sự ngu ngốc như người ta vẫn thường cho là thế. Bạn thôi việc bám giữ quá mức vào các ý niệm của mình về sự chính trực và ngừng nhận định rằng thế giới này chỉ chấp chứa hoặc những con quái vật hoặc những đứa ngốc. Sự thay đổi này thoạt đầu khiến mọi thứ trở nên bớt đi sự rạch ròi trắng đen, nhưng theo thời gian, rồi sẽ có nhiều điều thú vị hơn.

2. Bạn học được rằng không thể mặc nhiên mà người khác hiểu được những thứ trong đầu bạn. Bạn nhận ra rằng, bạn sẽ cần diễn đạt ý định và cảm giác mình cho thật sáng rõ thông qua ngôn từ. Và chẳng thể quy tội cho người khác khi họ không nắm bắt được ý bạn cho tới khi bạn nói năng một cách bình tĩnh và rành mạch.

3. Bạn học được rằng, thi thoảng cũng có lúc bạn làm sai. Với lòng can đảm to lớn, và dù lúc này lúc kia vẫn có chút do dự, bạn vẫn chọn bước tới để nói lời xin lỗi.

4. Bạn học cách trở nên tự tin. Không phải ở chỗ bạn nhìn ra mình rất tuyệt, mà bằng cách hiểu được một điều là mọi người ai cũng ngốc nghếch, sợ hãi và lạc lối hệt như bạn vậy. Chúng ta đều giả vờ ổn thôi. Nhưng thế cũng không sao.

5. Bạn tha thứ cho cha mẹ vì bạn nhận ra rằng họ đưa bạn đến trái đất này chẳng phải với ý định sẽ xúc phạm bạn. Chỉ là, họ cảm thấy khó xử một cách đau đớn và cùng lúc đó, phải đấu tranh với ác quỷ trong chính con người mình. Nỗi tức giận, ở một vài lúc, chuyển thành lòng thương và trắc ẩn.

6. Bạn học được rằng những điều vốn được cho là “nhỏ nhoi” lại có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng: chẳng hạn như giờ đi ngủ, mức đường, nồng độ cồn trong máu, các cấp độ của căng thẳng nền, etc. Và kết quả là, bạn học cách để không bao giờ đem chuyện quan trọng, dễ gây tranh cãi ra nói với một người thân yêu, cho tới khi tất cả đều không còn mỏi mệt, không ai say xỉn, dạ dày bạn đã có chút thức ăn, đang không có điều gì nguy cấp và bạn cũng không đang vội bắt một chuyến tàu.

7. Bạn từ bỏ tính hay hờn dỗi. Nếu ai đó làm bạn tổn thương, bạn không chất chứa trong lòng sự thù ghét cùng nỗi đau đến vài ngày. Bạn nhớ một điều rằng, sẽ sớm thôi, rồi bạn sẽ chết. Bạn không kì vọng người khác luôn luôn biết được cái gì là sai. Bạn nói thẳng với họ, không vòng vo và nếu họ hiểu ra, bạn tha thứ. Và nếu họ có không hiểu được đi chăng nữa, theo một cách khác, bạn cũng vẫn tha thứ cho họ.

8. Bạn không còn tin vào sự hoàn hảo trong hầu hết mọi thứ. Chẳng có con người hoàn hảo, công việc hoàn hảo hay đời sống hoàn hảo. Thay vào đó, bạn nghiêng về việc biết trân quý những gì “đủ tốt” (nói theo ngôn từ của nhà phân tâm học Donald Winnicott). Bạn nhận ra, rất nhiều điều trong cuộc sống của bạn, cùng lúc gây ra bao nỗi bực bội – thế nhưng, theo nhiều cách khác nhau, thực sự là vẫn đủ tốt.

9. Bạn học được mặt tốt của việc bi quan hơn một chút về cách mà mọi thứ rồi sẽ diễn ra. Nhờ thế, tâm hồn bạn cũng điềm tĩnh, kiên nhẫn và bao dung hơn. Bạn bỏ đi việc đeo đuổi ý niệm về những lý tưởng và trở nên đỡ điên rồ hơn rất nhiều (chẳng hạn, bớt nôn nóng, cứng nhắc và cáu kỉnh đi)

10. Bạn thấy được rằng, điểm yếu trong tính cách của mọi người có liên hệ với đối trọng là những thế mạnh. Thay vì nhìn nhận cô lập những nhược điểm của họ, bạn hướng ra bức tranh tổng thể: đúng vậy, ai đó có thể khá là mô phạm, nhưng vẫn là họ, chuẩn xác một cách tuyệt đẹp và là một tảng đá vững chãi trước những thời điểm hỗn loạn. Đúng, người đó có thể khá là bừa bãi, lộn xộn, nhưng cùng lúc, họ có óc sáng tạo và quả là có tầm nhìn. Bạn nhận ra rằng không tồn tại con người hoàn mỹ – và đi kèm mỗi một thế mạnh sẽ là một điểm yếu nào đó.

11. Trong chuyện tình cảm, bạn không si mê ai đó quá dễ dàng. Điều này hơi khó. Khi bạn chưa thực sự trưởng thành, bạn dễ phải lòng ai đó chỉ trong chớp nhoáng. Còn giờ đây, bạn nhận thức sâu sắc rằng tất cả mọi người, dù có vẻ ngoài quyến rũ hay thành đạt đến đâu, cũng mang trong mình những điểm gây khó chịu một chút khi ở gần. Lòng trung thành với những gì đã có là thứ mà bạn sẽ dần vun đắp.

12. Bạn học được là để chung sống với bạn, thật đáng ngạc nhiên, lại không phải điều dễ dàng cho lắm. Bạn rũ bỏ sự đa cảm thái quá trước đây về bản thân. Trong tình bạn cũng như các mối quan hệ, bạn chu đáo đưa ra những cảnh báo để mọi người biết trước bạn có thể trở nên khó khăn ra sao và khi nào.

13. Bạn học cách tha thứ cho bản thân, những sai sót và sự dại dột. Bạn nhận ra kiểu trạng thái đắm chìm trong suy nghĩ của bản thân mà không đem lại lợi ích gì chính là cứ dằn vặt mãi về những sai lầm trong quá khứ. Bạn là một người bạn tốt hơn của chính mình. Tất nhiên, bạn là một đứa ngốc, nhưng vẫn đáng yêu, chúng ta đều thế cả.

14. Bạn học được rằng một phần của sự trưởng thành là làm hòa với những phần trẻ con, bướng bỉnh vẫn sẽ luôn ở trong mình. Bạn không còn cố gắng mọi lúc để tỏ ra như một người lớn. Bạn chấp nhận rằng chúng ta đều có những khoảnh khắc lui lại phía sau. Và khi đứa trẻ 2 tuổi trong bạn ngóc đầu dậy, bạn sẽ nói lời chào đón một cách độ lượng và cho nó sự chú tâm cần có.

15. Bạn không còn đặt quá nhiều hi vọng cho những dự định lớn lao về thứ hạnh phúc bạn kì vọng sẽ kéo dài hàng năm trời. Bạn ăn mừng khi những điều nhỏ bé diễn ra tốt đẹp. Bạn nhận ra, sự hài lòng đến với bạn mỗi phút. Bạn vui khi mà một ngày trôi qua mà không có quá nhiều mối bận tâm. Bạn thích thú hơn với hoa cỏ và bầu trời đêm. Trong bạn, sự quan tâm dành cho những thú vui nho nhỏ cứ lớn dần.

16. Bạn dần dần không còn bận tâm về điều người khác nghĩ về mình. Bạn nhận ra tâm trí của người khác là nơi chốn lầy lội và thôi cố gắng để đánh bóng hình ảnh của mình trong mắt mọi người. Bạn và một, hai người khác chấp nhận con người bạn, thế là được.

17. Bạn lắng nghe phản hồi tốt hơn trước. Thay vì cho rằng bất cứ ai phê bình là đang hạ thấp bạn hay cho đó là sai lầm của họ, bạn nhận ra có thể có một vài thứ cần tới sự suy xét. Bạn bắt đầu thấy rằng mình có thể lắng nghe phê bình tốt hơn – mà không cần khoác lên tấm áo giáp và phủ nhận sự tồn tại của một vấn đề.

18. Bạn nhận ra mức độ mà bạn có xu hướng sống trong cự ly quá gần với những vấn đề của mình, ngày qua ngày. Bạn nhớ rằng bạn cần phải nhìn ra cho được những thứ làm bạn đau. Bạn ra ngoài thiên nhiên để dạo bộ, dẫn theo thú cưng (dù chắc là chúng không lo nghĩ nhiều như chúng ta) và bạn sẽ hướng về những thiên hà xa xăm phía trên chúng ta, trong màn đêm với sự trân trọng.

19. Bạn nhận ra quá khứ khác biệt của mình góp phần định hình cách bạn ứng xử trước những sự kiện trong đời ra sao.– và học cách bù đắp cho những hệ quả méo mó đến từ đó. Bạn chấp nhận rằng, vì tuổi thơ mình đã diễn ra như vậy, bạn có xu hướng cường điệu hóa ở một số khía cạnh. Bạn sẽ biết hoài nghi những thôi thúc phản ứng đầu tiên khi ở trong một số chủ đề nhất định. Và không để những cảm giác cuốn mình đi.

20. Khi bước vào một tình bạn mới, bạn nhận ra những người khác không phải chỉ muốn biết mỗi tin tốt về bạn, mà họ cũng muốn hiểu rõ hơn về những điều rắc rối, những lo âu của bạn, từ đó mà chính họ có thể cảm thấy bớt cô đơn trong nỗi đau của mình. Bạn trở thành một người bạn tốt hơn bởi vì bạn thấy rằng mối quan hệ này là sự mở lòng về những điểm yếu, dễ tổn thương (vulnerability) trong tâm hồn.

Linh Khanh Nguyen