Nghịch lý Hà Nội

Tôi có anh bạn vẫn thường đùa nói, “Nhà anh ba đời đánh giày ở Hà Nội.” Câu trả lời đó thường dành cho những người muốn biết anh là người ở đâu. Nghe có phần bạc nhược, có phần bất chí. Mà ờ thì, hình như nhà anh ba đời ở Hà Nội thật. Nghe cái cách ngồi vào mâm cơm, phải trên Xơi, dưới Mời; bắt đầu ăn, Mời; hết bữa, lại cũng Mời, thì quả thực nhà anh cũng có đôi phần Hà Nội thật. Nhưng nói thực, đôi lúc tôi lại không hiểu lắm những cái kiểu cách lễ giáo của người Hà Nội. Cái phong vị Hà Nội đôi lúc nghe chừng thật cầu kỳ, thanh cảnh nhưng cũng lắm lúc xuồng xã tới “đớn” người. Người Hà Nội ăn thịt gà thì phải chấm muối tiêu giã nhỏ với lá chanh thái (xắt) chỉ – nghĩa là thật thanh cảnh. Nhưng tôi lại cũng không hiểu nổi tại sao, người Hà Nội thanh cảnh là vậy nhưng lại có thể cùng chụm đầu vào ăn trên phố, hay lại càng không hiểu được việc tại sao mọi người có thể ăn một món như sau – và lạ kỳ hơn là món này đã đi vào không ít văn chương, khiến không ít người tốn bao giấy mực. Thậm chí, món ăn này còn từng được xếp vào 01 trong 03 món mà hễ tới Hà Nội thì dù bận cách gì cũng phải sắp xếp thời gian để đi ăn.

Người Hà Nội ăn thịt gà thì phải chấm muối tiêu giã nhỏ với lá chanh thái (xắt) chỉ – nghĩa là thật thanh cảnh.

Bữa đó, số là sau khi đã đọc không biết hết bao nhiêu cuốn sách về những món ngon Hà Nội, một anh bạn tôi đòi đi ăn ***. Thú thực, tôi rất ấn tượng với cách bài trí của quán với những cánh cửa từ thời xửa thời xưa, chỉ nhìn cái màu sơn thôi, nhìn cái cách phối màu cũng có thể thấy một Hà Nội cũ, thanh lịch thế nào. Bước vào quán là những bàn, những ghế trải khăn trắng muốt trông thật lịch sử. Em nhân viên tiến lại gần và hỏi xem tôi có dùng 02 suất. Ừ thì 02 suất.

Nhưng cái bước tiếp theo thì ôi thôi… Em gái mang ra cho tôi một bát con mắm tôm to, một bát hành hoa ngâm dấm, một đĩa rau và một rổ những rau hành thì là và mùi, 02 đĩa bún, một đĩa lạc. Chảo cá được bắc lên bếp, rổ rau được đổ thẳng vào chảo cá, người phục vụ dùng đũa đảo đảo qua nghe xèo xèo. Vậy là toàn bộ những thanh cảnh, những ý nhị, những đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên của Hà Nội trong tôi cứ thế mà bay hết. Còn sao được khi cái bát mắm tôm đầy thiếu điều có ngọn, còn sao được khi cái món chả cá là những hành mùi, đảo rối trong một chảo dầu chiên cá. Còn sao được khi ăn thì lấy một bát bún, lấy cá, rải lạc xung quanh và dưới mắm tôm lên. Người Hà Nội thanh tao là thế, nhẹ nhàng là thế với những mứt sen trần, với những ấm trà hay những bát chè được múc vào những cái bát chiết yêu con con. Thế nhưng người Hà Nội lại cũng lạ lẫm với những bát phở bánh xe hay những quán như Bún chửi, Cháo chửi. Hay phải chăng Hà Nội đi lên những món ăn của những thời khốn khó giờ không thể là chuẩn cho Hà Nội mới nữa?

Thực tình, có ăn rồi mới hiểu có phải cái gì của Hà Nội Phố Cổ cũng chưa hẳn đã luôn ngon. Bún chửi là hàng bún lưỡi, chân giò hoặc sườn. Nước ăn có vị nhàn nhạt, chẳng chua, chẳng mặn mà cũng chẳng ngọt. Lưỡi, móng và sườn được chặt theo kiểu chém to, chấm mặn. Nước chấm ở đây là xì dầu ớt. Vậy nhưng mà nhờ cái bỗ bã của bà chủ quán, nhờ cách bày biện và cái vị trí trong một cái chợ nhỏ nhỏ mà bỗng nhiên – nói theo cách các thanh niên Hà Nội là – “nên người.” Trong những trường hợp này, người Hà Nội lại nói, nhà đó ăn “lộc Thánh” hay “Cô thương”. Hay nếu ai đã ăn bít tết của một hàng cũng có tiếng ở Hà Nội với 04-05 cơ sở thì họ sẽ càng hiểu rõ nghịch lý này. Một chảo thịt thái mỏng, dai, trộn lẫn với trứng sống nhiều hơn chín, nát bấy, khoai tây thì cũ, bánh mỳ thì khô nhưng hễ tết nhất, nghỉ lễ là lại nườm nượp đông.

Bún chửi là hàng bún lưỡi, chân giò hoặc sườn. Nước ăn có vị nhàn nhạt, chẳng chua, chẳng mặn mà cũng chẳng ngọt. Lưỡi, móng và sườn được chặt theo kiểu chém to, chấm mặn. Nước chấm ở đây là xì dầu ớt.

Có lẽ những nghịch lý đó cũng đang dần phải nhường chỗ. Người Hà Nội giờ vẫn muốn cái dân dã, vẫn muốn cái thoáng mát nhưng tuyệt đối không phải theo cách ăn bát bún và khuyến mại “nhạc đệm”. Người Hà Nội giờ không chỉ ăn theo cách “khôn mồm” mà còn “khôn cả mắt.” Có lần một người bạn tôi làm cho một thương hiệu lớn đi ra Hà Nội chơi, đi qua một quán bia ở Nguyễn Đình Chiểu, cô ta hỏi: “Đây là chỗ nào mà đẹp vậy?” Đến lúc nghe nói đây là quán bia hơi, cô thực sự ngạc nhiên. Quán bia đó có những điểm nghỉ, có không gian xanh trong nhà mang lại cho mọi người một sự thoải mái. Hay nhà hàng Hẻm thì lại gây ấn tượng bởi việc phá bỏ toàn bộ một ngôi nhà để tạo ra một không gian tự nhiên hơn. Aquaria Mỹ Đình thì càng gây ấn tượng hơn khi giới thiệu một nhà hàng nằm bên trong một quả đồi nhân tạo. Ở trong đó là những không gian dành cho trẻ nhỏ chơi, không gian dùng bữa và trên quả đồi nhân tạo là một khu vực cà phê với những lều vải đầy ấn tượng… Ăn không còn là ăn, mà là thưởng!

Có lẽ Hà Nội sẽ vẫn như nhà văn Nguyễn Việt Hà từng viết: “thong thả ăn, tinh tế mặc và chầm chậm sống.” Chỉ có điều người Hà Nội không còn muốn thong thả ăn theo cách chụm đầu vào nhau trên những hàng quán (lấn lướt) vỉa hè; không còn muốn tinh tế mặc những món đồ hàng nhập lậu Trung Quốc hay chầm chậm sống theo cách hít thở khói xăng và bụi. Ít nhất, họ cũng đang khôn đời lên hơn.