Chúng ta sai ngay khi bắt đầu, bởi nghĩ rằng “mình không làm được”

Trong tiểu thuyết “Siddhartha” của Herman Hesse, nhân vật Siddhartha và người bạn rời khỏi nhà, từ bỏ tất cả tài sản, để lên đường tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh.

Họ quyết định sẽ sống cuộc đời phiêu bạt, không nhà cửa, cất bước trên hành trình đi xa khỏi những gì đã biết để tới nơi của những điều chưa biết. Đó là cuộc sống khổ hạnh, nhưng là thứ họ nguyện có.

Khi đói bụng, họ nhịn ăn. Khi không có việc để làm, họ thiền tịnh. Lúc tìm kiếm lời giải đáp, họ chờ đợi. Với việc xê dịch khắp nơi, họ càng lúc càng gắn chặt bản thân vào mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, sau cùng, họ chia ra đôi ngả – do có cuộc gặp gỡ với Đức Phật. Sau khi nghe những truyền thuyết về Đấng Giác Ngộ và rồi đã tìm thấy được ngài, họ đều ấn tượng trước sự điềm tĩnh cùng sự uyên thâm mà giản dị trong những lời dạy của ngài. Người bạn tên Govinda ở lại để trở thành học trò của Đức Phật, trong khi Siddhartha, dù anh rất coi trọng những gì đã học được, quyết định sẽ vẫn tiếp tục trên hành trình mang tính cá nhân hơn.

Hành trình ấy đưa Siddhartha qua cả không gian và thời gian: anh ta định cư tại một thành phố, phải lòng một người phụ nữ và sau này đã trở thành một thương gia thành đạt. Điều này tất nhiên, cũng không đáp ứng trọn vẹn mong muốn của Siddhartha và vì thế, anh lại rời đi tiếp. Điểm đến tiếp theo, và cũng là điểm dừng chân cuối cùng, là một căn nhà nhỏ bên dòng sông. Ở đó, anh ta sống cùng với một người lái đò.

Đó là một người đàn ông giản dị, trầm lặng, nhưng sở hữu minh triết – thứ khiến cho bất cứ ai gặp ông đều cảm thấy lôi cuốn. Sau nhiều năm trời sống trong sự bất ổn và đau khổ đến từ việc vất vả đi tìm kiếm, cuộc sống cùng người lái đò này đã giúp Siddhartha, trong một khoảnh khắc chợt đến, tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mình.

Vào cuối đời, Govinda, người vẫn còn đang đi tìm sự khai sáng, hay tin có một người lái đò nọ nắm giữ câu trả lời. Người lái đò ấy là Siddhartha, người mà giờ đây đã tiếp quản công việc của người thầy trên dòng sông.

Khi Govinda cho hay mình vẫn là một người đi tìm kiếm, người bạn cũ Siddhartha chia sẻ những gì ông đã học được sau ngần ấy năm (đoạn này ngay trước khi cuốn sách khép lại):

“Khi một người tìm kiếm (seek), con mắt anh ta chỉ thấy thứ anh ta đi tìm, và cái anh ta tìm thấy (find), cái anh ta nhận lấy là chẳng-gì-cả (nothing) bởi tâm trí anh ta chỉ xoay quanh thứ mà anh ta tìm kiếm, bởi anh ta chỉ có duy nhất một mục tiêu, bởi anh ta bị ám ảnh với mục tiêu ấy. Tìm kiếm (Seeking) có nghĩa là: mang trong mình một mục tiêu. Nhưng tìm thấy (Finding) có nghĩa là: tự do, cởi mở, không mục tiêu.”

Vùng ấn định ẩn chứa vấn đề

Câu chuyện về Siddhartha và người bạn của anh ta nằm trong bối cảnh thuộc thế giới khác xa với thế giới của chúng ta. Thế giới ấy đơn giản hơn, có ít hơn các xung lực làm xoay chuyển tâm trí hơn.

Cuộc truy tìm của hai người họ cũng không phải là điều kém lành mạnh nhất mà một người có thể đeo đuổi. Nói chung, khao khát hướng tới sự vẹn toàn vẫn tốt hơn nhiều so với nhiều thứ đang chiếm giữ những ham muốn của chúng ta ở thời hiện đại này – thử nghĩ về tiền bạc, địa vị và khoái lạc.

Dù vậy, vấn đề cốt lõi lại là như nhau. Nó là căn nguyên của mọi khổ sở mà chính ta tự gây ra.
Hạnh phúc – hay chính xác hơn, sự thiếu vắng nỗi bất hạnh – là sản phẩm đến từ mối quan hệ vốn tồn tại giữa những kỳ vọng chủ quan của chúng ta và thực tế khách quan. Về lâu về dài, cảm giác mãn nguyện yên bình có được là nhờ thực tế khách quan mang lại cho chúng ta nhiều hơn những mong đợi chủ quan của chúng ta.

Chúng ta ai cũng có tác động phần nào lên những gì hiện thực mang lại, nhưng suy cho cùng, rất nhiều thứ nằm ngoài khả năng của chúng ta. Do vậy giải pháp duy nhất đó là điều chỉnh kì vọng bằng việc quản lý những dục vọng mang tính cá nhân.

Trong một số truyền thống tâm linh, như Phật giáo, câu trả lời – nói một cách tổng quát – đó là giảm thiểu, hay nếu có thể, triệt tiêu dục vọng. Không chỉ là những thói hư tật xấu, mà còn là những thứ sẽ dẫn đến quá trình đi tìm kiếm không có hồi kết như Siddhartha và Govinda đã từng dành cả đời đeo đuổi.

Thật không may, người bình thường khó lòng rũ bỏ ham muốn và tìm thấy sự giác ngộ. Dẫu vậy, bất cứ ai cũng có thể học để làm được – và đó là một bước đi đúng hướng – đó là mở rộng phạm vi những điều họ ấn định (zone of fixation).

Luôn có những thứ chúng ta muốn có được, hay những điều ta tìm cách đạt được. Nhưng rất nhiều trong số đó dễ điều chỉnh và linh hoạt hơn nhiều hơn ta nghĩ.

Chắc rồi, kiếm nhiều tiền hơn có thể khiến cuộc sống của bạn khá hơn, và tất nhiên, thắng được giải thưởng đó hay nhận được lời khen ngợi từ chính người mà bạn ngưỡng mộ khiến bạn thấy đời đáng sống hơn biết bao, nhưng nếu tồn tại một thế giới nơi người ta có thể sống hoàn toàn yên bình mà không cần tới những thứ ấy – và dường như luôn tồn tại nơi đó, thì không quan trọng điều bạn mong cầu là gì – khả năng là bạn cũng có thể làm sống như thế.

Khi chúng ta khao khát có được điều gì, ta bám giữ vào ý niệm ấy. Chúng ta dồn thời gian và tâm trí cho nó. Trong quá trình ấy, trong ta nỗi ám ảnh đơn phương sẽ lớn dần và dẫn đến đau khổ bất kì khi nào thực tế không đáp lời. Điều này cũng giống trường hợp một người mong muốn trở nên tự tin hơn, bởi đó cũng là một dạng tìm kiếm một thứ cảm giác thỏa mãn cụ thể.

Cách duy nhất để không rơi vào chiếc bẫy này là mở rộng phạm vi vùng ấn định Đó là việc nới lỏng một chút định nghĩa về những mong muốn của bản thân bạn từ đó chúng có thể có thêm chỗ chứa dành cho những phản hồi mà hiện thực khách quan đem lại. Và điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn chịu lùi lại một bước và buông bỏ.

Nhìn rộng ra (zoom out) và điều chỉnh kì vọng chủ quan là tránh ra khỏi thương đau.

Câu hỏi tốt hơn, cuộc đời tốt hơn

Một nguyên nhân cho việc chúng ta gắn chặt vào điều gì để rồi cảm thấy quá khó để buông bỏ là bởi chúng ta sai ngay khi bắt đầu – bằng việc đặt sai câu hỏi.

Gần như mọi thứ thúc đẩy bạn hành động đều bắt nguồn từ một câu hỏi, dù bạn có nhận ra hay không.

Lý do đơn giản là bởi trước khi bạn mong muốn câu trả lời, trước tiên bạn phải định nghĩa được mình đang tìm kiếm điều gì.

Phần lớn những gì chúng ta đi tìm lại bắt nguồn từ những ý tưởng vay mượn. Chúng ta phụ thuộc vào nền văn hóa nuôi lớn mình. Các xung lực kinh tế -xã hội định hình tâm trí chúng ta trước khi ta đủ trưởng thành để biết hơn. Khi đã lớn lên, rất nhiều trong số những ý niệm này đã ăn sâu vào chúng ta đến độ thậm chí ta còn không nhận biết được.

Một trong những trường hợp điển hình là câu hỏi về ý nghĩa (cuộc sống). Ở xã hội phương Tây, tôn giáo đang trên đà suy thoái. Bạn có thể nhìn nhận điều này là tốt hoặc xấu, nhưng dù thế nào, một câu hỏi vẫn nảy sinh: Ý nghĩa cuộc sống là gì vậy? Thực ra, điều gì mới là có ý nghĩa và vì sao?

Trong một môi trường tôn giáo chiếm ưu thế, câu trả lời cho những câu hỏi trên đây quá rõ ràng đến nỗi ngay cả khi những câu hỏi có thường chiếm chỗ trong tâm trí bạn thì chúng cũng không gây ra sự khó chịu, bởi đức tin sẵn có đã cho bạn câu trả lời rồi. Thế còn tại một môi trường thế tục, những câu hỏi này sẽ đưa rất nhiều người vào một vòng xoáy mang tên: thuyết hư vô, niềm tin rằng không có điều gì là có nghĩa lí cả. Bám giữ vào niềm tin ấy thường gây ra rất nhiều đau khổ không đáng có.

Đây là cách tiếp cận thứ ba, được trình bày bởi Alan Watts: “Nếu vũ trụ này vô nghĩa, thì chính lời nhận định này cũng thế… Ý nghĩa hay mục đích của điệu nhảy là chính điệu nhảy.”

Bằng cách tự định nghĩa lại bối cảnh, để nó được định hình theo cách thể hiện của câu hỏi, chúng ta phủ định tuyệt đối một vấn đề, và việc phủ định này là nỗi đau tiềm tàng của đời sống trong thế giới vô nghĩa. Như Watts ngụ ý, bạn là ai mà bám vào ý nghĩa trong cái thế giới vốn vẫn đang tồn tại? Một thế giới mà bạn còn không hiểu thấu? Có khi bạn đã chọn nhầm khung hình để đặt mắt nhìn thế giới qua đó. Có thể bộ não bạn còn chưa đủ khả năng đặt ra một câu hỏi đúng đắn.

Câu hỏi tạo ra bối cảnh; bối cảnh xác định ranh giới; ranh giới làm rõ sự ấn định (fixation); để rồi chính sự ấn định này sẽ giới hạn hoặc nâng cao khả năng chủ quan của bạn để sống theo cách chào mời hoặc đẩy lui nỗi khốn khổ.

Giải pháp cho hầu hết các vấn đề không phải là chiến đấu với chúng, mà là đặt câu hỏi tốt hơn.

Bài học

Cả Siddhartha và Govinda đều dành cả cuộc đời đi tìm sự giác ngộ, nhưng phải cho tới khi họ đơn giản là ngừng việc tìm kiếm, họ mới tìm thấy điều đó.

Câu hỏi họ từng đeo bám không phải câu hỏi đúng. Họ cũng đã không thể xem xét tới khả năng mình cần nghĩ lại về những tiền đề ban đầu. Chính điều này đã dẫn tới hệ quả họ phải trải qua một chặng đường hàng năm ròng rã chỉ để có được toàn những câu trả lời sai.

Việc có trong mình những nỗi khao khát là một đặc tính đã được thiết lập về mặt sinh học của con người. Nó được mã hóa chính trong cỗ máy sinh tồn mà ta gọi là cơ thể. Tuy thế, quá trình khao khát ấy lại dẫn đến một vùng ấn định chật hẹp và nó ngăn không cho chúng ta trải nghiệm thực tế theo cách có thể tránh được khổ đau.

Để chiến đấu với điều đó, chúng ta cần phát triển sự linh hoạt để có khả năng định hình lại nội hàm những khao khát này trong khi thu nạp càng lúc càng nhiều những thông tin ta có được từ thế giới khách quan.

Chúng ta cần học cách bỏ đi vào những kì vọng chủ quan không hề tương thích mà ta vẫn cố gán một cách cứng nhắc vào hiện tại. Nhờ có vậy chúng ta có thể tái tạo những kì vọng mới đi theo một hướng phù hợp hơn và dần thoát ly để đi từ “tìm” sang “tìm thấy”.

Sẽ cần rất nhiều công sức và can đảm để nhìn vào chính mình và quyết định rằng, có lẽ giờ là lúc bạn nên nhìn mọi thứ từ một góc khác, kèm với câu hỏi khác, nhưng đấy mới lại là thứ công sức sẽ được tương thưởng.

Tránh khỏi khổ sở không dễ dàng, nhưng nó đơn giản. Việc chọn đi những bước đúng đắn là ở bạn.

Linh Khanh Nguyen