Bạn đã bao giờ tự hỏi cuộc đời này có đáng sống hay không?

Albert Camus là một triết gia, nhà văn, nhà báo người Pháp. Những nhận định của ông đóng góp vào sự phát triển của hệ thống triết lý được biết đến với tên gọi “absurdism” (phi lý).

Để nghiên cứu những tư tưởng quan trọng của Camus, không thể không quay về một trong những tác phẩm xuất sắc nhất ông, The Myth of Sisyphus (tựa tiếng Việt: Thần thoại Sisyphus).

Tiểu luận trung tâm nằm trong tác phẩm này xoay quanh chân dung một nhân vật trong thần thoại là Sisyphus, vị vua của Ephyra (nay là Corinth– ND). Vị vua này nức tiếng bởi những mánh khóe lừa gạt, hai lần thoát khỏi cái chết, dẫn đến kết cục bị Zeus luận tội và phải nhận lấy hình phạt vĩnh viễn: lăn tảng đá lên dốc ngọn đồi thẳng đứng, xong xuôi tảng đá sẽ lại lăn xuống, Sisyphus lại phải lăn nó lên. Công việc nặng nhọc đó lặp đi lặp lại, không bao giờ kết thúc.

Camus khai thác Thần thoại Sisyphus như truyện ngụ ngôn, nhằm chứng minh rằng, cuộc sống vốn dĩ vô nghĩa và phi lý, nhưng dẫu vậy, nên được coi như một thử thách. Sisyphus là một biểu tượng cho nhân loại nói chung. Hình phạt trên tượng trưng cho những việc chúng ta làm trong đời. Hành động của chúng ta cũng vô nghĩa và vô ích như việc Sisyphus lăn tảng đá vậy.

Điều này quả thực nghe thật khủng khiếp, một cuộc đời chẳng còn gì ngoài nỗi tuyệt vọng, nhưng theo Camus, chúng ta nên hình dung rằng Sisyphus hạnh phúc.

Ông viết: “Tôi để Sisyphus dưới chân núi. Người ta sẽ luôn luôn tìm thấy lại gánh nặng của mình. Nhưng, Sisyphus dạy ta một sự chân thật cao hơn, đến độ có thể phủ nhận các vị thần và nâng những tảng đá lên. Anh ta cũng kết luận mọi sự đều tốt đẹp. Vũ trụ từ đây không còn chủ nhân dường như không còn trơ trụi hay vô ích. Mỗi nguyên tử của tảng đá kia, mỗi vảy khoáng vật trong ngọn núi bao phủ bởi màn đêm kia, trong bản thân nó tạo thành một thế giới. Bản thân cuộc đấu tranh hướng tới đỉnh cao đã là đủ đế lấp đầy trái tim con người. Ta phải hình dung là Sisyphus hạnh phúc.”

Sisyphus hạnh phúc bởi đã biết chấp nhận hình phạt giáng xuống mình. Sisyphus hiểu rằng, anh ta phải lăn tảng đá lên, và khi việc đã thành, đứng ở đỉnh đồi, anh ta được hưởng mùi vị hạnh phúc, hạnh phúc tồn tại trong khoảnh khắc. Anh ta trông đợi có được thứ hạnh phúc như thế.

Từ chỗ hình dung được rằng Sisyphus hạnh phúc, ta mới nhận ra được cái trớ trêu của cuộc đời, chỉ khi nào ta thừa nhận cái phi lý, chúng ta mới có thể vượt lên, nỗ lực chạm tới một dạng thức hạnh phúc nào đó.

Camus mở đầu câu chuyện với lời khẳng định rằng, câu hỏi mang tính triết học quan trọng nhất là việc có nên tự sát, tất cả những gì còn lại xếp vị trí thứ hai.

Mỗi ngày trôi qua, hàng triệu người tự hỏi bản thân rằng cuộc đời này có đáng sống hay không?

Mối quan tâm của Camus chính là nằm ở câu hỏi này.

“Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là tự sát. Đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học. Tất cả những câu hỏi khác – đại loại như có phải thế giới có ba chiều hay không, hay liệu trí tuệ nên được phân thành chín hay mười hai phạm trù – đều xếp sau. Chúng là những trò chơi; muốn tham gia thì người ta cần phải trả lời câu hỏi đầu tiên trước đã.” (*)

Camus nhận định, tự sát dẫn đến thừa nhận rằng sau tất cả, cuộc sống không đáng sống. Và lời thú nhận này có liên hệ với việc “cảm nhận sự phi lý”.

Nhìn chung, con người bước trên đường đời cùng hành trang là cảm nhận về ý nghĩa và mục đích sống, đi tìm lí do và cái tốt đẹp trong những gì họ làm trong đời. Nhưng đôi khi người ta có thể thấy những việc làm và suy tư thường ngày bị điều khiển bởi nhiều yếu tố, biến một cuộc đời từ chỗ có ý nghĩa, trở nên hoàn toàn phi lý và vô nghĩa.

Camus quan tâm về việc liệu ý tưởng rằng cuộc sống là vô nghĩa nhất thiết ngụ ý rằng cuộc sống không đáng để sống và rằng tự sát là lời giải cho sự phi lý. Ông nêu lên rằng, chúng ta không nên đi đến suy nghĩ thiếu sáng suốt như vậy – suy nghĩ rằng chỉ có hai kết cục – sống hay tự sát – 2 câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi này.

Hầu hết mọi người vẫn tiếp tục sống bởi họ chưa đi tới câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này. Có quá nhiều điểm xung khắc giữa nhận định và hành động của con người. Những ai thực hiện việc tự sát có thể đã chắc rằng cuộc sống có ý nghĩa, và nhiều người cảm thấy cuộc sống không đáng sống vẫn tiếp tục sống.

Đứng trước sự tồn tại vô nghĩa, điều gì ngăn chúng ta không tự sát? Camus đưa ra một khả năng, đó là bản năng sống của chúng ta mạnh hơn những lý lẽ cho việc tự sát: “Chúng ta hình thành thói quen sống trước khi đạt được thói quen suy nghĩ.” Chúng ta né tránh việc phải đối diện với những hệ quả đầy đủ của bản chất vô nghĩa của cuộc sống một cách bản năng – Camus gọi đây là “hành động trốn tránh” và hành động này trong hầu hết mọi lúc biểu hiện dưới dạng niềm hi vọng. Bằng cách hi vọng vào một cuộc đời khác, hay hi vọng tìm ra ý nghĩa nào đó trong cuộc đời này, ta tạm hoãn việc phải đối diện với những hệ quả từ bản chất phi lý, vô nghĩa của cuộc đời.

Trong tiểu luận, Camus muốn chúng ta chọn đối mặt với những hệ quả từ sự phi lý. Camus lập luận rằng, phải, cuộc sống là vô nghĩa, là phi lý, dẫu vậy, chúng ta có thể vùng lên, đấu tranh với cái phi lý và tìm thấy niềm hạnh phúc. Về căn bản, Camus đặt câu hỏi rằng, liệu có tồn tại một phương án thứ ba, nằm ở giữa 1) chấp nhận sự phi lý của cuộc sống và 2) phủ nhận bằng cách neo giữ những lời khẳng định siêu hình mơ hồ (dubious metaphysical propositions) (có đức tin vào thần thánh hoặc mục đích cao cả nào đó mà ta thừa nhận lý trí con người không nhận thức được, mà theo Camus là một kiểu tự sát triết học – ND). Nói cách khác, liệu chúng ta có thể sống mà vừa gạt bỏ hy vọng về một cuộc sống ý nghĩa, vừa không mang trong mình nỗi tuyệt vọng dẫn đường đến tự sát?

Sự tương phản rõ nét cho thấy phương án thứ ba ấy đã xuất hiện – chúng ta có thể dấn bước. Tiếp tục sống không có đức tin, không có niềm hi vọng, cũng không vì có một sự kêu gọi nào. Chúng ta nên hình dung Sisyphus hạnh phúc.

Linh Khanh Nguyen